Đăng Ký 188BET - Cá cược thể thao trực tuyến và sòng bạc trực tiếp

hoa si 1
Họa sĩ Phan Kế An năm 2008.   Ảnh: Internet

Họa sĩ Phan Kế An sinh năm 1923 tại xã Đường Lâm - Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông là con trai quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại dưới triều Nguyễn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Phan Kế Toại đi theo kháng chiến, được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Phan Kế An thuộc thế hệ sinh viên cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông cùng nhiều bạn bè đồng môn như: Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Lê Phả, Kim Đồng, Phan Thông, Nguyễn Tư Nghiêm, Tôn Đức Lượng (tức Nguyễn Hữu Kinh), Nguyễn Văn Thiện, Trần Quốc Ân, Bùi Xuân Phái… đã hăng hái “gác bút nghiên lên đường tranh đấu”.

Hơn nửa thế kỷ làm họa sĩ cách mạng, Phan Kế An đã vẽ hơn nghìn bức tranh với nhiều chất liệu khác nhau. Ông đã 3 lần được Giải Nhất trong các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 2001), từng giữ chức Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng, như: Nhớ một chiều Tây Bắc, Gặt ở Việt Bắc, Những đồi cọ, Bác Hồ ở lán Khuổi Tạt, Hà Nội tháng 12 năm 1972, Cánh đồng bản Bắc… và hàng loạt tranh biếm họa chính trị. Nhưng với ông, quãng đời hoạt động nghệ thuật ấn tượng nhất là những năm đầu đi theo cách mạng, ông được phân công vẽ tranh cổ động, tranh minh họa phục vụ kháng chiến. Đặc biệt là thời gian ông được vẽ tranh ký họa chân dung Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc.

Ông kể: Cuối năm 1946, không khí sục sôi chuẩn bị toàn quốc kháng chiến, ông cùng một số danh họa như: Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đình Thọ, Mai Văn Hiến… được giao nhiệm vụ vẽ tranh cổ động để dán trên đường phố Hà Nội, với tinh thần “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…”. Các ông tập trung tại nhà ông Nguyễn Đình Thi ở ấp Thái Hà để vẽ bí mật. Một hôm, anh em đang miệt mài sáng tác thì có một người đến ngắm nghía rồi góp ý là hình ảnh những người tự vệ còn yếu đuối, thư sinh quá. “Máu sĩ” nổi lên, Phan Kế An nói với vị khách không mời mà đến “gí mũi” vào việc người khác: “Thế thì anh ngồi làm mẫu cho chúng tôi vẽ nhé!”. Không ngờ người ấy cởi áo khoác, ngồi hẳn hai giờ trong tư thế người chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng xông vào xe địch. Tác phẩm hoàn thành cũng là lúc có chiếc ô tô con đến đón “người mẫu” đi, lúc đó hỏi ra, Phan Kế An mới biết “người mẫu” chính là ông Đặng Xuân Khu - tên thật của đồng chí Trường Chinh - một cán bộ cấp cao của Đảng và Chính phủ.

hoa si2
Bác Hồ ở lán Khuổi Tạt (Tranh của họa sĩ Phan Kế An năm 1948)

Một thời gian sau đó, Phan Kế An được cử sang Báo Sự thật do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Nhiệm vụ chính của ông là làm ma-két và vẽ tranh minh họa cho báo. Họa sĩ kể: Số báo Tết Kỷ Sửu năm 1949, đồng chí Trường Chinh yêu cầu trên bìa báo không phải một bức tranh, mà là trình bày sao cho đẹp mắt bốn câu thơ Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họa sĩ phải viết thư gửi Bác, đề nghị Người viết bốn câu thơ chúc Tết đồng bào ra tờ giấy khổ lớn. Bác Hồ đồng ý nhưng khi Người gửi thơ sang để trình bày thì cả bài lại dài hơn khuôn khổ của trang báo. Ông đành viết thư sang phiền Bác viết lại. Lần này Bác lại viết hẹp hơn khuôn khổ trang báo. Ông lại phải viết thư sang lần thứ ba và lần này thì Bác viết vừa khít. Hơn nửa thế kỷ sau, kể lại câu chuyện trên đây, ông vẫn tỏ ra day dứt: “Vậy là tôi đã làm phiền Bác tới ba lần. Bốn câu thơ Bác viết không đúng khuôn khổ trang báo, tôi giữ mãi như một kỷ niệm quý hiếm. Về sau, theo yêu cầu của một đồng chí cán bộ, tôi đã đưa tặng Bảo tàng Cách mạng. Không hiểu bên Bảo tàng có còn giữ được các bản viết tay này của Bác không?”…

Trước đó hơn một năm, họa sĩ Phan Kế An còn vinh dự được “làm phiền” Bác Hồ tới hai tuần lễ. Đó là vào khoảng cuối năm 1948, đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ cho ông sang vẽ ký họa về Bác Hồ. Khi đó ông vừa sung sướng vì được gặp gỡ, được vẽ con người mà mình luôn ngưỡng mộ, lại vừa căng thẳng bởi trọng trách quá lớn. Ông băn khoăn liệu khi làm việc với một người quan trọng như vậy thì mình có bị bó buộc không? Liệu có được thỏa sức sáng tạo nghệ thuật không? Liệu nét vẽ của mình đã đủ chín để vẽ chân dung về Bác Hồ? Vân vân và vân vân… Song, mọi lo lắng đã được giải tỏa khi họa sĩ trẻ Phan Kế An được Bác đón tiếp ngay khi vừa đến, được Bác bắt tay, thăm hỏi sức khỏe và thậm chí là được ăn cơm cùng Bác. Họa sĩ Phan Kế An nhớ lại: “Lúc đó đang ở độ tuổi sung sức, được ăn cơm với Bác, tôi chưa biết giữ ý tứ. Mỗi bữa, tôi ăn liền một mạch 4 bát, rượu thì mỗi lần đưa chén lên là cạn. Một vài bữa sau, tôi mới nhận ra sự vô ý của mình, liền quyết tâm sửa chữa. Hôm đó, thấy chén rượu của Bác đã vơi, tôi vội cầm lấy nậm rượu định rót thêm. Bác che tay lên miệng chén và nói: “Uống nhiều thì có hại cho sức khỏe!”. Về sau, Bác không hề nói chuyện về tác hại của rượu, song tôi cũng không bao giờ dám uống đến chén thứ 2…

Về chuyện vẽ chân dung Bác Hồ, họa sĩ cũng được tự do thoải mái, vì ngay hôm đầu tiên Bác đã căn dặn: “An cứ làm việc của An, tự nhiên mà vẽ nhé!”. Bác bận nhiều công việc, họa sĩ tranh thủ vẽ Bác trong mọi tư thế, mọi địa điểm… Nhiều lúc họa sĩ cũng được Bác mời thuốc lá. Lúc đó, phần thì đang dở tay, phần thì đang mải làm việc, họa sĩ chỉ “xin” Bác điếu thuốc rồi bỏ vào túi áo ngực. Lúc đầu chỉ là để dành lát nữa mới hút, về sau họa sĩ nảy ra ý định “tích cóp” để dành cho anh em trong cơ quan không có dịp may mắn được như mình. Nào ngờ hành vi “láu cá” ấy không qua được mắt Bác. Đến hôm vẽ cuối cùng, Bác vờ như vô tình hỏi: “An tích trữ được bao nhiêu điếu thuốc rồi?”. Chẳng còn cách nào khác, ông đành thú nhận toàn bộ “âm mưu” với Bác. Nghe xong, Bác hỏi tiếp: “Ở đó có bao nhiêu anh em?”. “Dạ, có 30 người ạ!”. Bác mở hộp thuốc đếm ra 17 điếu trao cho họa sĩ, vì trước đó ông đã tích cóp được 13 điếu, để đủ chia quà cho anh em trong Tòa soạn… Đợt công tác đó, họa sĩ Phan Kế An đã thực hiện được hơn 20 bức tranh về Bác. Bác bảo họa sĩ treo tất cả lên vách liếp nhà tập thể cơ quan để anh em cùng xem và góp ý. Cuối cùng Bác chọn bức “Bác Hồ ở lán Khuổi Tạt” vẽ ngày 27-11-1948, vì theo Bác, bức vẽ tự nhiên và có hồn. Báo Sự thật số tháng 12 năm 1948 đã đăng bức họa ấy và được in với số lượng lớn, đủ để phát hành khắp các chiến khu và cả những vùng tạm chiếm, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ, chiến sĩ cả nước.

Họa sĩ Phan Kế An cho biết: Cuối năm 2008, nhân dịp bức tranh “Bác Hồ ở lán Khuổi Tạt” ra đời tròn 60 năm, ông đã mang tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bản khắc gỗ bức tranh cùng nhiều bức tranh khác ông vẽ về Bác Hồ kính yêu!

Lương Ngọc Hà
Theo qdnd.vn
Phương Thúy (st).

Bài viết khác: